Hosting là gì? Kiến thức đầy đủ về web hosting người mới cần biết

Hosting là gì? kiến thức cơ bản về web hosting

Với những người mới bắt đầu tự xây dựng website sẽ bắt gặp rất nhiều khái niệm mới và cũng dễ nhầm lẫn như domain, hosting, server, DNS, v.v…

Bài viết này Khánh sẽ giải đáp câu hỏi được rất nhiều 500 anh em quan tâm đó là hosting là gì? Mình cũng sẽ cung cấp một số thông tin liên quan đến hosting.

Hosting là gì?

Hosting hay web hosting hiểu đơn giản là nơi để chứa các dữ liệu của một website như thông tin, hình ảnh, video và các dữ liệu khác phục vụ website.

Nếu vậy chắc bạn thắc mắc liệu hosting nó có giống cái ổ cứng máy tính không?

Lưu trữ chỉ là một chức năng của web hosting, chức năng quan trọng khác của web hosting là giúp người dùng internet truy cập vào trang web 24/24 như xem trang web, download file, upload file, v.v…

Web hosting hoạt động như thế nào?

Để xây dựng một website, đầu tiên cần có domain và hosting, tưởng tượng domain giống như địa chỉ nhà và hosting giống như căn nhà.

domain cần được trỏ về hosting để khi cần truy cập web người dùng sẽ gõ tên domain vào trình duyệt, sau đó sẽ được kết nối với hosting nơi chứa website.

Tại đây hosting sẽ có nhiệm vụ giao tiếp với người dùng internet, như cung cấp các trang người dùng cần xem, cho phép download hoặc tải file lên.

Bạn cần thuê hosting từ nhà cung cấp hosting (như HawkHost, Vultr, v.v…), họ sẽ cấp cho bạn một tài khoản hosting nằm nên server còn gọi là máy chủ.

Nó tương tự như bạn đi thuê phòng trọ vậy, họ sẽ cấp cho bạn chỗ ở để chui vô chui ra và các tiện ích sinh hoạt. Bạn có thể thuê nguyên căn, thuê ở ghép, v.v… hosting cũng thế cũng có thuê riêng rồi thuê chung, nhiều kiểu lắm, mình sẽ nói rõ hơn ở bên dưới.

Dùng máy tính cá nhân làm hosting được không?

Câu hỏi ở đây là dùng máy tính làm server vật lý thật như đi thuê hosting, chứ không phải ảo hóa server dùng phần mềm nhé 500 anh em.

Câu trả lời là hoàn toàn được! Nhưng trong thực tế hiếm ai làm vậy vì sao?

  • Bạn phải học cách setup nó để trở thành server, khá tốn thời gian. Nên bạn nào thích vọc thì làm thôi.
  • Bạn cần để máy tính chạy 24/24 nhé!
  • Cấu hình của máy tính cá nhân không phù hợp để làm server.
  • Và cái quan trọng nhất là đường truyền internet. Các nhà cung cấp hosting họ có đường truyền tốc độ cao và băng thông lớn mới chạy các dịch vụ server được.

Quan trọng là đi thuê hosting vừa rẻ vừa chuyên nghiệp. Càng ngày cạnh trang càng khốc liệt, bạn phải hơn đối thủ về mọi mặt, liệu bạn có muốn website của mình load chậm hơn đối thủ?

Cần quan tâm những gì ở web hosting?

Nếu đi thuê phòng trọ bạn sẽ quan tâm đến vị trí, diện tích, toilet, tủ lạnh, máy lạnh, giá, v.v… Vậy khi chọn hosting bạn cần quan tâm những gì?

1. Băng thông – bandwith

Băng thông là thông số cực kỳ quan trọng của một hosting. Nó là dung lượng truyền qua lại giữa hosting và người dùng internet trên một giây.

Băng thông giống như một con đường, đường to thì nhiều xe chạy cùng lúc. Băng thông lớn thì nhiều người truy cập cùng lúc mà không bị nghẽn.

Để hiểu rõ hơn về băng thông, tầm quan trọng cũng như cách chọn băng thông phù hợp thì hãy xem bài viết của mình sâu hơn về băng thông nhé.

2. Vị trí đặt server

Ưu tiên chọn hosting có server gần với đa số người dùng nhất. Ví dụ khách truy cập chủ yếu của khanhplus.com là từ Việt Nam, do đó mình sẽ ưu tiên server phải có vị trí gần Việt Nam (Singapore, Nhật hoặc Hồng Kong) để thời gian truy cập vào website là nhanh nhất.

Vậy sao không chọn Việt Nam? Cá nhân mình vẫn thích thuê của nhà cung cấp nước ngoài hơn vì mình thấy dịch vụ chuyên nghiệp, uy tín, giá rẻ hơn, thủ tục nhanh chóng.

3. Cấu hình máy chủ server

Thường khi thuê hosting bạn sẽ thấy thông tin về số lượng CPU và dung lượng RAM. Bạn chỉ cần nhớ là càng nhiều CPU và RAM thì server xử lý nhanh hơn.

Còn cách lựa chọn ra sao thì chỉ khi nào bạn dùng VPS hosting trở lên thì mới quan tâm. Với bạn mới bắt đầu thì chủ yếu mua shared hosting, do đó không chọn được cấu hình server.

4. Dung lượng lưu trữ – website space

Đây là thông số cần quan tâm khi chọn mua hosting. Dung lượng lưu trữ cũng tương tự như dung lượng ổ cứng trên máy tính cá nhân thôi.

Tùy thuộc vào loại website sẽ cần dung lượng khác nhau. Ví dụ các web về phim ảnh hoặc web bán hàng có nhiều hình ảnh sản phẩm thì cần nhiều dung lượng. Các web dạng thông tin thì cần ít hơn. Với bạn mới bắt đầu thì 10GB là xài tẹt ga rồi.

5. Dịch vụ support

Cái này cực ký quan trọng nè!

Việc xảy ra sự cố là tất yếu và bạn sẽ cần tới dịch vụ hỗ trợ. Nên chọn nhà cung cấp support 24/7. Các hosting nước ngoài thì khoản support của họ rất chuyên nghiệp.

6. Downtime

Downtime là thời gian mà website bị sập không truy cập được, ngược lại là uptime là tổng thời gian website hoạt động trơn tru.

Website bị down có nhiều nguyên nhân, nhưng ở đây chỉ quan tâm đến nguyên nhân do hosting gây ra thôi nhé.

Các hosting bây giờ thời gian uptime lên tới >99%. Chắc chắn bạn không muốn website cứ thỉnh thoảng lại sập do hosting đúng không?

Trên đây là những thông tin quan trọng nhất về hosting. Còn nhiều thông tin khác cần quan tâm về hosting, từ từ bạn sẽ gặp trong các bài viết khác. Mình không đưa quá nhiều vào bài này sợ tẩu hỏa nhập ma!

Các loại web hosting

Có rất nhiều tên gọi khác nhau về các loại web hosting, nhưng đều thuộc 4 loại hosting sau đây. Bài này mình giới thiệu cơ bản thôi. Để hiểu sâu hơn cũng như biết cách chọn hosting phù hợp, hãy xem các bài viết mình link cho từng loại hosting nhé.

1. Shared hosting

Shared hosting là hình thức website của bạn sẽ được lưu trữ cùng với rất nhiều website của người khác trên cùng một máy chủ.

Loại hosting này phù hợp với người mới bắt đầu do lượng truy cập còn ít nên chưa cần hosting mạnh, và người mới cần hosting có giá rẻ nữa. Một điểm nữa là shared hosting rất dễ xài.

Để hiểu rõ về shared hosting và hướng dẫn sử dụng hãy đọc các bài viết về shared hosting trên website khanhplus.com nhé.

Mình đã sử dụng một số nhà cung cấp shared hosting và vẫn thích nhất là shared hosting của HawkHost, giá rẻ giao diện dễ dùng, đăng ký dễ dàng, support cực tốt, có server ở Singapore và Hongkong nên tốc độc truy cập từ Việt Nam rất nhanh.

2. VPS hosting

VPS là viết tắt của Virtual Private Server gọi là máy chủ ảo có tính năng như một máy chủ riêng (dedicated server). VPS được tạo ra bằng cách phân chia một máy chủ vật lý thành nhiều VPS.

Khác với shared hosting, VPS mạnh hơn nhiều do giới hạn số lượng VPS trên một máy chủ. Các VPS hoạt động độc lập nên ổn định hơn.

Tuy nhiên nó chỉ phù hợp cho người có kinh nghiệm và cần cho website nặng, truy cập nhiều.

Để hiểu rõ về VPS và cách sử dụng VPS hãy đọc các bài viết về VPS trên blog này của mình. Cũng dễ chứ không quá khó.

Hiện tại mình đang sử dụng VPS ở VULTR để chạy website khanhplus.com. Cực ký hài lòng với VULTR.

3. Dedicated server hosting

Với dedicated server, bạn sẽ thuê một server đúng nghĩa. Toàn quyền sử dụng server này và chỉ phục vụ website của bạn. Bạn tự cài đặt mọi thứ và tự tối ưu nó.

Nó phù hợp với cá nhân hoặc công ty cần hosting mạnh và độc lập. Nhưng giá của nó sẽ rất chát.

Trừ khi bạn có website to khủng bố mới nghĩ đến nó!

4. Cloud hosting

Cloud nghĩa là công nghệ đám mây. Cloud hosting về bản chất cũng là VPS nhưng các máy chủ ảo được tạo ra từ rất nhiều máy chủ thật cùng chia sẻ tài nguyên.

Hiện nay hầu hết các nhà cung cấp VPS hosting đã huyển sang công nghệ cloud.

VPS ở VULTR mình đang dùng cho khanhplus.com cũng là dạng cloud VPS.

Như vậy bạn đã biết được khá nhiều kiến thức hữu ích về hosting trong bài viết này. Trên blog của mình có rất nhiều bài viết liên quan đến chủ đề này. Bạn có thể tìm hiểu thêm nhé.

Nếu có thắc mắc gì hãy comment bên dưới để mình và 500 anh em khác giải đáp nhé. Hẹn gặp trong các bài viết khác!

4 bình luận trong “Hosting là gì? Kiến thức đầy đủ về web hosting người mới cần biết”

  1. Em lỡ chọn data center nhầm ở bên Mỹ, giờ muốn chuyển về Singapore thì phải làm sao ạ?

  2. Chào tây môn khánh, bạn cho mình hỏi chút, web bạn đang dùng hosting nào vậy? Mình dùng gói stela của namecheap mà sao load vào trang chủ mãi không được, lúc thì được lúc thì không? nt cho sp bên namecheap nó bảo test tốc độ trang web vẫn bình thường.

Bình luận đã bị đóng.