Nếu bạn là người mới, hẳn là bạn đã từng nghe muốn tạo một website bạn cần đăng ký một tên miền.
Thế bạn sẽ hỏi vậy tên miền là gì? Bài này Khánh trả lời câu hỏi này được rất nhiều bạn mới thường hay thắc mắc. Mình cũng sẽ cung cấp nhiều thông tin hữu ích xung quanh chủ đề này.
Tên miền là gì?
Tên miền hay còn gọi là domain name hiểu đơn giản là địa chỉ của một website. Ví dụ tên miền khanhplus.com là địa chỉ trang web của mình. Khi bạn muốn truy cập bạn chỉ việc gõ domain name khanhplus.com vào trình duyệt rồi enter là được dẫn tới trang chủ website của mình.
Thực ra mỗi website ở trên mạng internet sẽ có một địa chỉ riêng biệt còn gọi là IP là chuỗi số có dạng như 192.168.4.98. Khi gõ IP này vào trình duyệt bạn sẽ được dẫn tới website tương ứng.
Tuy nhiên người dùng internet không thể nhớ được các địa chỉ IP như vậy. Do đó domain ra đời để thay thế IP giúp mọi người dễ nhớ khi muốn truy cập vào một website.
Như vậy mỗi domain là đại diện cho một IP – địa chỉ của một website.
Tên miền làm việc như thế nào?
Để hiểu cách làm việc của một domain mình sẽ lấy ví dụ này.
Khi bạn gõ tên miền vào trình duyệt sau đó enter, một yêu cầu sẽ được gửi đến hệ thống phân giải tên miền trên internet gọi là DNS.
Hệ thống này sẽ tìm ra máy chủ nơi chứa website còn gọi là web server hay hosting và gửi yêu cầu tới đó.
Web server sau đó sẽ dựng trang web bạn yêu cầu và gửi thông tin về trình duyệt của bạn để bạn có thể xem được trang web mong muốn.
Phân biệt Domain, Website và Hosting
Website được dựng lên từ các thành phần như mã HTML, hình ảnh, video, v.v… Nếu như tên miền là địa chỉ của một website, thì hosting là nơi lưu trữ website đó.
Hosting cũng là máy tính gọi là server được thiết kế để chứa các dữ liệu của website cho phép mọi người truy cập từ khắp nơi trên thế giới.
Để tạo một website bạn cần phải có cả domain và hosting.
Bạn có thể mua domain và hosting từ 2 nhà cung cấp khác nhau ví dụ như mua domain ở Namecheap còn hosting mua ở HawkHost hoặc VULTR.
Hoặc có thể mua cả 2 từ một nhà cung cấp.
Bạn cần thực hiện kết nối domain và hosting để chúng có thể làm việc được.
Các loại tên miền khác nhau
Chắc bạn cũng đã nghe về khái niệm phần mở rộng tên miền và phổ biến nhất là .com, ngoài ra còn có .net, .org, v.v…
Một tên miền đầy đủ gồm nhiều phần ngăn cách nhau bằng dấu (.) ví dụ như vnexpress.net và được phân cấp. Cấp sẽ giảm dần từ bên phải qua.
- Top Level Domain – TLD: đây là cấp cao nhất của một tên miền và nó nằm ở cuối một domain ví dụ như .com, .net, .gov, .biz, .info, .website, .tech, v.v…
- Country Top Level Domain – ccTLD: cũng là dạng TLD nằm ở cuối tên miền, là 2 ký tự viết tắt tên quốc gia ví dụ .vn, .uk, .us, v.v…
- Second Level Domain – SLD: đây là phần tên miền cấp 2 nằm ngay trước dấu (.) của TLD hoặc ccTLD ví dụ như vnexpress.net thì vnexpress là SLD còn .net là TLD.
- Subdomain: là tên miền con được tạo ra từ tên miền SLD, ví dụ như giadinh.vnexpress.net.
Làm sao để chọn được tên miền tối ưu cho website?
Đã có hàng trăm triệu domain đã đăng ký và mỗi ngày có vài ngàn domain được đăng ký mới.
Có nghĩa là các domain ngon thì khả năng cao là người khác họ đã đăng ký. Bạn là người tới sau dĩ nhiên là sẽ đau đầu với việc chọn domain đấy.
Một số lời khuyên dành cho bạn nào đang chọn mua domain:
- Nên ưu tiên chọn .com bởi vì mọi người đã quá quen nên dễ nhớ.
- Chọn tên miền càng ngắn càng dễ nhớ sẽ càng tốt.
- Chọn tên miền dễ đọc.
Làm sao để mua tên miền?
Bạn có thể mất vài phút để mua một tên miền từ các nhà cung cấp tên miền quốc tế nổi tiếng như Namecheap.
Mình ưu tiên mua tên miền và hosting từ các nhà cung cấp quốc tế bởi vì họ chuyên nghiệp, nhanh chóng, hỗ trợ cực tốt và với mức giá tốt hơn hẳn so với các nhà cung cấp Việt Nam.
Bài viết hướng dẫn mua tên miền tại Namecheap mình hướng dẫn rất chi tiết bằng hình ảnh và video, bạn không cần tiếng Anh tiếng gió gì nha. Mất vài phút là sở hữu ngay tên miền chuyên nghiệp.
Chú ý là mua tên miền sẽ chưa có bao gồm hosting, bạn cần phải mua hosting để lưu website.
Mĩnh cũng đã có bài hướng dẫn mua hosting HawkHost rồi bạn có thể tham khảo.
Hy vọng bài viết giải đáp được phần lớn các thắc mắc của bạn về domain names. Nếu bạn có comment gì hãy để lại bên dưới nhé. Hẹn gặp lại ở các bài viết khác nhé!