Ở bài viết này, Khánh sẽ hướng dẫn cách đăng bài lên website WordPress ở phiên bản mới nhất.
Khi đã thiết lập theme và cài đặt các plugin cần thiết cho website, bước tiếp theo bạn cần làm là “đắp thịt” – viết bài để tạo thành một website hoàn chỉnh.
Với một số người, quy trình đăng bài lên website là chuyện dễ dàng nhưng nhiều người mới bắt đầu sẽ thấy bối rối với giao diện của WordPress.
Vì vậy, Khánh sẽ hướng dẫn bạn tất cả tính năng khi đăng bài mới và cách bạn sử dụng chúng để tạo nội dung trơn tru hơn.
Tổng quan giao diện soạn thảo văn bản của WordPress
Đầu tiên, bạn vào trang quản trị Dashboard của WordPress, trên thanh menu bên trái, chọn Post >> Add New.
Bạn sẽ thấy giao diện trình soạn thảo văn bản của WordPress xuất hiện với 3 phần chính.
Phần 1
Khu vực chứa các nút chức năng như thêm blocks (hình ảnh, video, trích dẫn, tiêu đề phụ…), hoàn tác, thông tin về bài viết…
Phần 2
Đây là khu vực cho phép bạn nhập tiêu đề và nội dung bài viết để đăng lên website.
Phần 3
Khu vực quản lý đăng bài (ví dụ đăng ở chuyên mục nào, thêm những thẻ nào, chèn ảnh đại diện ra sao…).
Cách đăng bài lên website WordPress
Bài viết này Khánh hướng dẫn cách đăng bài viết sử dụng trình soạn thảo mặc định của WordPress, còn gọi là Gutenberg.
Bạn vẫn có thể áp dụng đối với giao diện classic editor, bởi vì quy trình đăng bài viết cũng sẽ trải qua các bước mình hướng dẫn sau đây.
Thêm tiêu đề bài viết và các blocks nội dung
Để thêm tiêu đề cho bài viết, bạn nhập vào vị trí mình khoanh như hình dưới đây.
Để thêm nội dung chính, bạn nhấp vào dấu + chèn các block như đoạn văn, tiêu đề phụ, trích dẫn…
Nếu bạn không muốn dùng chuột để nhấp vào dấu +, bạn sử dụng phím tắt bằng cách nhập dấu / để thêm block.
Bạn có thể thấy tất cả tính năng cần thiết cho nội dung được gói gọn trong block. Từ hình ảnh, video, đoạn văn, bảng, thư viện ảnh cho đến trích dẫn, mã nhúng, widget…
Thêm hình ảnh, video và các tính năng media khác
Bạn thêm hình ảnh bằng cách nhấp vào dấu + rồi chọn Image, sau đó tải lên trực tiếp từ máy tính hoặc chọn từ thư viện ảnh có sẵn trong WordPress.
Nếu bạn muốn chữ và hình ảnh nằm cạnh nhau thì sử dụng block “Media & Text”.
Trình soạn thảo WordPress cũng có block “Gallery” để hiển thị hình ảnh theo hàng và cột với bố cục lưới.
Chỉ cần thêm block Gallery rồi tải hình ảnh từ máy tính lên hoặc chọn từ thư viện có sẵn trên WordPress.
Bạn muốn thêm video vào bài viết?
Rất đơn giản, chỉ cần chọn block embed, bạn sẽ thấy hiện ra tất cả nền tảng phổ biến như Youtube, Facebook, Spotify…
Bạn chọn một nền tảng, sau đó sao chép và dán URL video vào hộp tùy chọn mặc định.
Ví dụ Khánh chọn Youtube, rồi sao chép URL video từ Youtube và dán vào hộp tùy chọn.
WordPress sẽ tự động chuyển đổi nó thành block nhúng video.
Nếu bạn muốn tải video trực tiếp từ máy tính lên website bằng block video, Khánh khuyên là không nên vì nó sẽ làm chậm tốc độ load web của bạn, thậm chí làm hỏng máy chủ lưu trữ WordPress.
Thay vào đó, Khánh khuyến khích bạn tải video lên một nền tảng trung gian như Youtube hoặc Vimeo, sau đó nhúng nó vào bài đăng như hướng dẫn ở trên.
Thêm Categories (chuyên mục) và Tags (thẻ)
Categories và Tags giúp bạn sắp xếp nội dung khoa học hơn, hỗ trợ SEO, đồng thời độc giả cũng dễ tìm kiếm bài viết theo nhu cầu.
Bạn thêm Categories và Tags ở cột bên phải, trong phần cài đặt Post.
Thêm ảnh đại diện cho bài viết
Featured image, còn được gọi ảnh đại diện, là hình ảnh chính của bài viết.
Chúng được hiển thị nổi bật trên trang chủ, trang con hoặc khi độc giả tìm kiếm trên trang web.
Để thêm ảnh đại diện, bạn tìm ở cột bên phải, trong phần cài đặt Post, ngay bên dưới Tags.
Bạn chỉ cần nhấp vào nút “Set featured image”, sau đó chọn tải hình ảnh trực tiếp từ máy tính hoặc hình có sẵn trong thư viện của WordPress.
Thêm Excerpts – đoạn tóm tắt bài viết
Excerpts là đoạn tóm tắt của bài đăng trên website.
Thông thường các giao diện (theme) WordPress đều tự động tạo đoạn tóm tắt từ vài dòng đầu tiên của bài viết.
Nhưng không phải lúc nào những đoạn tóm tắt tự động này cũng hấp dẫn người đọc.
Trong trường hợp này, nếu bạn muốn thay đổi nội dung tóm tắt thì có thể chủ động thêm nội dung mình muốn vào khung Excerpts nằm ngay bên dưới khung ảnh đại diện ở cột bên phải.
Thay đổi đường link bài viết
Theo mặc định, WordPress tự động sử dụng tiêu đề bài viết làm đường link cố định.
Nhưng một số người muốn thay đổi đường link để tối ưu SEO và thân thiện với người dùng hơn.
Bạn thay đổi đường link bài viết bằng cách nhấp vào khung Permalink ở cột bên phải, bên dưới khung Template: Single Post.
Thay đổi tác giả
Nếu trang web của bạn có nhiều tác giả sáng tạo nội dung, bạn cũng có thể điều chỉnh tên tác giả bài viết trước khi đăng tải bằng cách nhấp vào khung “Status and visibility” ở cột bên phải, chọn ô Author.
Bật/Tắt bình luận
WordPress tích hợp hệ thống bình luận trong mỗi bài viết, cho phép người đọc thoải mái bình luận về nội dung bạn đăng tải.
Bạn có thể tắt tính năng bình luận trong khung Discussion ở cột bên phải, ngay bên dưới khung Excerpt.
Ở đây, bạn cũng sẽ thấy tùy chọn cho phép tính năng pingbacks và trackbacks.
Tính năng này giúp bạn và các website khác thông báo cho nhau nếu bài viết có đường link liên kết với nhau.
Tuy nhiên, nó chủ yếu được dùng để spam nên Khánh khuyên bạn tắt hoàn toàn tính năng pingback và trackback.
Các tính năng đăng tải bài viết
Như đã nói ở phần đầu, giao diện soạn thảo văn bản WordPress sẽ gồm 3 phần. Trong đó, phần 3 quản lý cách đăng bài.
Cụ thể, nó bao gồm những mục sau.
1. Save draft cho phép bạn nhanh chóng lưu lại các thay đổi khi thao tác trên trình soạn thảo.
2. Preview giúp bạn xem trước bài viết sau khi đăng tải sẽ như thế nào.
3. Khi đã hoàn thành xong bài viết, bạn nhấn nút Publish để bài xuất hiện trên trang web.
4. WordPress cung cấp vài tính năng để kiểm soát khả năng hiển thị bài viết. Tùy chọn mặc định là Public.
Nhưng nếu nhấp vào Public, nó sẽ hiển thị thêm 2 tùy chọn là để bài đăng ở chế độ riêng tư hoặc bảo vệ bằng mật khẩu.
5. WordPress cũng cho phép bạn kiểm soát thời điểm bài viết được đăng tải. Tùy chọn mặc định là đăng ngay lập tức (immediately).
Nhưng bạn cũng có thể lên lịch để bài viết đăng tải sau hoặc thậm chí chọn một ngày trong quá khứ đều được.
6. Stick to the top of the blog là tính năng giúp bài viết nằm ở vị trí trên cùng của website, và nằm cố định cho dù bạn đăng thêm bao nhiêu bài viết mới.
7. Pending review để bài viết trong trạng thái chờ duyệt đăng.
8. Nếu bạn muốn xóa bài đăng, nhấp vào nút “Move to trash”.
Các bài đăng đã xóa vẫn còn trong thư mục thùng rác tối đa 30 ngày. Sau đó, chúng sẽ bị xóa vĩnh viễn.
Lời kết
Hy vọng thông qua hướng dẫn cách đăng bài lên website WordPress này, bạn sẽ thực hành và áp dụng thành công.
Nếu gặp bất kỳ khó khăn nào, cứ để lại comment bên dưới, mình sẽ giải đáp giúp bạn.
Hẹn gặp bạn trong các bài hướng dẫn khác.