Khánh sẽ hướng dẫn cách chuyển website từ Shared Hosting sang VPS theo 2 cách khác nhau mình tạm gọi là “sung sướng” và “đau khổ” theo level từ dễ đến khó.
Khi website của bạn tăng trưởng, traffic tăng lên, dung lượng lưu trữ cũng như khả năng chịu tải của shared hosting sẽ không đáp ứng được; hoặc có thể shared hosting không đáp ứng được tốc độ website.
Đó là lúc bạn phải cần tới VPS để “cân” website của bạn!
Nhưng việc cài đặt và sử dụng VPS là trở ngại lớn nhất đối với người mới hoặc không rành về quản lý server.
Đã có nhiều bạn đã chuyển website từ shared host sang VPS, nhưng gặp đủ lỗi từ nhỏ đến lớn nên nản kèo lại quay về shared hosting lại.
Do đó Khánh ở đây để làm mọi thứ trở nên đơn giản, mình sẽ giúp bạn thực hiện chuyển website của bạn từ shared hosting về VPS một cách trơn tru.
Và đặc biệt không cần kinh nghiệm hoặc kiến thức về quản lý server, từ trẻ tới già đều làm được hết!
Bắt đầu nhé!
Cách chuyển website từ Host sang VPS
Mình sẽ hướng dẫn bằng 2 cách theo thứ tự từ dễ đến khó để bạn chọn phù hợp với level của bạn nhé.
Cách 1: chuyển website về VPS “trong sung sướng”
Cách đơn giản nhất không cần đụng tay và chỉ cần “nằm hưởng sung sướng” đó là liên hệ Khánh! Hihi! Mình sẽ ôm cái khổ vào thân và lo giùm bạn từ A đến Á.
Đổi lại bạn bơm tiền vào túi mình để mình có chút “hạnh phúc đơn sơ”!
Còn nếu không muốn làm mình “khổ” thì bạn chịu khó click chuột vài cú theo các hướng dẫn của mình sau đây, chỉ yêu cầu bạn biết sử dụng chuột và biết làm theo hướng dẫn nhé!
Bạn sẽ thuê VPS kèm dịch vụ quản lý (tiếng Anh gọi là Managed VPS) có tên là CloudWays. Khác với VPS truyền thống là bạn phải tự “quay cuồng” giữa các dòng lệnh Linux.
Bản chất của CloudWays là họ cho bạn thuê VPS kèm theo dịch vụ cài đặt và quản lý luôn VPS. Họ sẽ hỗ trợ từ A đến Á, có bất cứ vấn đề gì bạn chỉ cần “cào phím chát” là họ làm giúp, bạn không cần đụng tay vào.
Bạn chỉ cần đăng ký tài khoản CloudWays và chuyển website về VPS Cloudways theo hướng dẫn của Khánh sẽ hoàn toàn miền phí và được dùng thử 3 ngày không cần thẻ VISA / MasterCard.
Cách 2: chuyển website về VPS “trong đau khổ”
Cách này theo mình thì vẫn dễ thực hiện đối với hầu hết mọi người trừ “phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú”.
Bước 1: khởi tạo VPS
Đầu tiên bạn cần phải chuẩn bị VPS trước bằng cách đăng ký tài khoản VPS VULTR miễn phí (được tặng $100 để sử dụng một tháng free).
Sau khi có tà khoản VULTR, đăng nhập vào để khởi tạo VPS bằng cách bấm nào nút dấu “+” sau đó chọn Deploy New Server.
Chọn server là High Frequency hoặc Cloud Compute, nhưng High Frequency sẽ ngon hơn nhé.
Server Location thì chọn Singapore, Seoul hoặc Tokyo đều cho tốc độ truy cập từ Việt Nam rất nhanh.
Mục Server Type, chọn hệ điều hành là Ubuntu 18.04 x64.
Mục Server Size chọn cấu hình máy chủ, mình demo con VPS có cấu hình là 1CPU, 1024MB RAM và giá sẽ là $6 / tháng.
Mục Server Hostname & Label, nhập tên bạn muốn đặt cho con VPS chuẩn bị tạo vào ô Enter server hostname. Mình sẽ ví dụ đặt nó là Demo.
Sau đó bấm vào nút Deploy Now ở dưới cùng để khởi tạo VPS. Bạn chịu khó chờ vài phút để hệ thống hoàn tất cài đặt server.
Bước 2: cài đặt bảng điều khiển VestaCP
VestaCP là bảng điều khiển có giao diện dễ sử dụng, giúp bạn quản lý VPS dễ dàng không cần sử dụng giao diện dòng lệnh Linux.
VestaCP cũng rất dễ cài đặt, hãy làm theo mình nhé.
Sau khi VPS khởi tạo xong bạn bấm vào nó sẽ thấy giao diện tương tự hình dưới, bạn để ý các thông tin IP Address, Username và Password, nó sẽ được dùng để quản lý VPS.
Đầu tiên bạn kết nối vào VPS đã khởi tạo ở Bước 1 thông qua giao thức SSH bằng cách bấm vào biểu tượng màn hình máy tính View Console ở hình bên trên (các bạn có thể sử dụng PuTTY).
Đăng nhập sử dụng Username là root và Password lấy ở hình bên trên. Để paste thông tin vào cửa sổ lệnh sử dụng nút Send Clipboard.
Sau đó paste hoặc gõ lệnh sau đây vào cửa sổ lệnh và enter để tải gói cài đặt VestaCP về VPS.
curl -O http://vestacp.com/pub/vst-install.sh
Bạn cần truy cập vào trang chủ VestaCP, sau đó kéo xuống phần ADVANCE INSTALL SETTINGS để tạo script cài đặt.
Giữ nguyên mọi thứ, chỉ cần nhập Hostname, Email và Password. Sau đó bấm nút Generate Install Command mình sẽ có được đoạn script như bên dưới.
bash vst-install.sh --nginx yes --apache yes --phpfpm no --named yes --remi yes --vsftpd yes --proftpd no --iptables yes --fail2ban yes --quota no --exim yes --dovecot yes --spamassassin yes --clamav yes --softaculous yes --mysql yes --postgresql no --hostname demo.khanhplus.com --email khanhnguyen@khanhplus.com --password 123456
Copy đoạn mã trên và paste vào cửa sổ lệnh và enter để cài đặt VestaCP.
Bấm “y” và enter để đồng ý cài đặt. Bạn cần chờ ít phút để hoàn tất cài đặt.
Sau khi cài xong VestaCP bạn sẽ nhận được thông báo hoàn thành kèm theo thông tin để đăng nhập VestaCP như bên dưới.
Từ giờ trở đi bạn sẽ làm việc trên giao diện VestaCP, không cần phải sử dụng giao diện dòng lệnh nữa.
Bước 3: di chuyển website từ host về VPS dùng VestaCP
Tóm tắt các bước thực hiện như sau:
- Download dữ liệu website ở host cũ về máy tính
- Xuất và download cơ sở dữ liệu database từ host cũ về máy tính
- Login vào VestaCp trên VPS để thêm website mới
- Tạo cơ sở dữ liệu mới trên VestaCP
- Sử dụng phpMyAdmin trên VestaCP để import database đã có ở mục 2 lên VPS
- Đăng nhập FTP để upload dữ liệu ở mục 1 lên VPS
- Sửa file wp-config.php để kết nối với database mới
Mục số 1, 2, 5 và 6 bạn đã quen rồi trong quá trình sử dụng shared hosting nên mình sẽ không nhắc lại nữa.
Mình sẽ hướng dẫn làm từ mục số 3, 4 và 5.
Sử dụng Chrome hoặc bất kỳ trình duyệt nào để đăng nhập vào VestaCP với các thông tin đăng nhập sau đây (nhớ thay bằng thông tin của bạn nhé):
- Link đăng nhập: http://ip-address:8083
- Username: admin
- Password: 123456
Lưu ý: VestaCP gửi đường link đăng nhập là https://demo.khanhplus.com:8083, nhưng bạn cần thay demo.khanhplus.com bằng địa chỉ IP Address nhé.
Trình duyệt sẽ cảnh báo bảo mật, để tiếp tục truy cập bấm vào Advance sau đó chọn Proceed to 45.77.xxx.xxx (unsafe) để tiếp tục.
Sử dụng username và password của bạn để đăng nhập VestaCP. Trường hợp không login không được bạn có thể thử bằng Username và Password của root ở bước khởi tạo VPS.
Sau khi login vào VestaCP, tìm tới mục WEB, sau đó bấm vào dấu “+” ADD WEB DOMAIN.
Nhập tên domain bạn muốn gắn website vào.
Chuyển sang mục DB, sau đó bấm vào dấu “+” ADD DATABASE để thêm cơ sở dữ liệu.
Nhập Database, User và Password cho database, chú ý có phần frefix sẽ được thêm vào, do đó tên của database sẽ có dạng là admin_demo, user sẽ là admin_demo.
Tiếp theo bạn mở database vừa tạo dùng phpMyAdmin bằng cách bấm vào Open phpMyadmin để import database lấy ở host cũ.
Đăng nhập phpMyAdmin sử dụng Username và Password của database hồi nãy bạn tạo ra, sau đó sử dụng chức năng import để nhập dữ liệu từ database cũ vào. Mấy thao tác này đã quá quen thuộc lúc bạn sử dụng shared hosting.
Tiếp theo bạn kết nối FTP đến VPS sử dụng các chưng trình như Filezilla hoặc WinSCP; IP address, username và password bạn lấy từ VULTR.
Nhớ upload dữ liệu lên thư mục /home/admin/web/khanhplus.com/public_html.
Thay khanhplus.com bằng domain hồi nãy bạn thêm vào nhé.
Sau đó bạn mở file wp-config.php lên để đổi thông số cho database bao gồm Database Name, Database Username và Database Password cho khớp với database bạn tạo trên VestaCP.
Bước cuối cùng là trỏ domain về VPS. Bạn vào trang quản lý domain sau đó tạo hoặc thay đổi bản ghi A Record trỏ về IP mới của VPS.
Như vậy là xong!
Cách chạy nhiều website trên một VPS
Có rất nhiều bạn sẽ thắc mắc cách để tạo nhiều website trên một VPS.
Do đó mình đã viết bài hướng dẫn cách tạo nhiều website trên VPS ở đây.
Lời kết
Tính ra sử dụng VPS cũng không khó đúng không?
Hi vọng bạn thực hiện mọi thứ suôn sẻ. Nếu có thắc mắc hay comment hãy cho Khánh biết nhé.
Cảm ơn bạn đã ghé blog khanhplus.com nhé!