10 lưu ý quan trọng khi chọn mua tên miền cho website [2024]

Lưu ý quan trọng khi mua domain cho website

Chọn domain thích hợp cho website là cực kỳ quan trọng, nó không chỉ ảnh hưởng đến quá trình xây dựng thương hiệu, mà ảnh hưởng rất lớn đến việc SEO website lên bộ máy tìm kiếm.

Bài viết này sẽ đưa ra những lưu ý quan trọng khi chọn mua domain cho website, nhằm giúp bạn tránh được các sai lầm không đáng có gây ảnh hưởng đến quá trình SEO và xây dựng thương hiệu về sau.

Mình sẽ không viết kiểu chung chung như các bài viết khác dịch từ nước ngoài. Mình sẽ đi vào chi tiết cụ thể với kinh nghiệm thực tế, các tools, và cách thức mà mình đang sử dụng để chọn được tên miền mong muốn.

Nếu bạn chưa nắm rõ khái niệm domain, có thể đọc thêm bài viết tên miền là gì để tìm hiểu thêm nhé.

1. Kiểm tra xem domain đã từng được sử dụng chưa

Có nhiều trường hợp domain bạn cần mua đã từng có người khác sử dụng trước đó, sau đó họ không dùng nữa, domain đó chuyển sang hết hạn (expired domain) và được đưa vào kho để tiếp tục bán cho người khác.

Hai trường hợp xảy ra:

  • Bạn may mắn nếu như domain này có lịch sử tốt trong mắt Google, khi đó bạn sẻ hưởng được sức mạnh cũ từ tuổi đời domain và các backlinks có sẵn, sẽ thuận lợi cho SEO.
  • Nếu xui trúng phải domain có lịch sử xấu, như bị Google phạt, dùng vào web sex, web cờ bạc, phạm pháp… thì xác định luôn, các án phạt đó vẫn sẽ còn mãi, quên đi chuyện SEO nó đi nhé.

Để biết được tên miền đã được sử dụng trước đó, bạn có thể sử dụng dịch vụ miễn phí domain history checker.

Ví dụ mình đang cần mua tên miền mailanhoang.com, mình sẽ check xem domain này xem đã được sử dụng trước đó chưa bằng cách gõ tên domain vào và search, công cụ sẽ hiển thị lịch sử của domain này.

Kiểm tra lich sử tên miền bằng domain history checker.

Domain này đã từng được sử dụng, với cá thông số như:

  • Tuổi đời là 11 năm
  • Có 9 lần thay đổi, thường liên quan đến thay đổi trỏ domain về hosting.
  • Có 3 lần drops, tức là đã có 3 lần có người sử dụng thải ra, sau đó lại có người khác mua.

Mẹo nhỏ: không nên mua domain có nhiều lần drops, Google không đánh giá cao domain loại này.

2. Kiểm tra lịch sử domain và website dùng Wayback Machine

Để xem một domain đã từng được dùng vào việc gì, có spam hay không, có dính đến sex, cờ bạc,… dùng “cỗ máy thời gian” để quay lại quá khứ. Hihi!

Thực ra công cụ này gọi là Wayback Machine, nó sẽ ghi lại lịch sử tất cả các website trên internet và cho phép bạn xem lại nó trong quá khứ.

Bằng cách này bạn có thể biết được quá khứ của một website và domain gắn với nó, xem nó đã được sử dụng như thế nào, dựa vào đó bạn sẽ biết được domain đó có lịch sử sạch hay không.

Để minh họa, mình sẽ vào Wayback Machine và gõ domain mailanhoang.com và search để xem lịch sử của nó ra sao.

Kiểm tra lịch sử tên miền dùng wayback machine

Bạn sẽ thấy wayback machine lưu lại lịch sử của domain này từ năm 2008 cho tới nay. Click vào từng năm để xem nội dung website tại thời điểm đó.

Như thời điểm tháng 3 năm 2011, nó là một website của ca sĩ hay ban nhạc Mai-Lan Hoang. Các năm tiếp theo nó vẫn là website về âm nhạc. Nhưng tới năm 2015 domain này được sử dụng cho website tiếng Nhật.

Mẹo: không nên mua domain gắn liền với website đã thay đổi chủ đề nhiều lần, đặc biệt tránh xa các domain gắn liền với lịch sử web sex, cờ bạc, cá độ,…

3. Chọn nhà cung cấp domain uy tín

Bạn nên chọn nhà cung cấp tên miền có uy tín, dịch vụ chuyên nghiệp, support 24/7 và có giao diện dễ sử dụng.

Nên chọn các nhà cung cấp tên miền quốc tế bởi vì dịch vụ và support cực kỳ chuyên nghiệp và thủ tục thanh toán nhanh chóng, chứ không như các nhà cung cấp Việt Nam.

Các nhà cung cấp tên miền ở Việt Nam hay đòi bản sao chứng mình nhân dân, điền tờ khai báo, khá lằng nhằng. Ngoài ra còn các điều khoản lằng nhằng về transfer tên miền nữa. Mua tên miền quốc tế không bao giờ có chuyện này.

Bản thân mình yêu thích Namcheap nhất bởi vì support cực tốt, giao diện dễ sử dụng, thời gian cập nhật DNS nhanh, đặc biệt là họ miễn phí dịch vụ WhoisGuard trọn đời. Do đó 70% tên miền của mình là mua từ Namecheap.

Bạn nào vốn tiếng Anh không tốt, hãy làm theo các bước trong bài hướng dẫn mua tên miền tại Namecheap, không cần tiếng Anh tiếng gió gì hết.

4. Cẩn thận domain có từ khóa chính xác

Trước năm 2012 nếu ai làm SEO thì chắc chắn sẽ chọn domain có chứa chính xác từ khóa cần SEO (Exact Match Domain – EMD). Tại thời điểm đó bạn chỉ cần chọn domain là từ khóa bạn cần SEO, vậy là website dễ dàng lên top, không cần phải có nọi dung chất lượng.

Ví dụ như bạn kinh doanh về hút hầm cầu, và đang muốn SEO từ khóa hút hầm cầu. Chỉ cần sở hữu domain huthamcau.com, huthamcau.net… là bạn lên top!

Do đó có rất nhiều người đã lợi dụng kỹ thuật này để lên top, vượt qua các website làm ăn chân chính khác.

Năm 2012 Google đã update thuật toán, không còn ưu ái tên miền EMD nữa.

Ngược lại dùng domain chứa từ khóa sẽ cực kỳ nguy hiểm nếu không biết cách đa dạng hóa anchor text. Bởi vì từ khóa nằm trong domain, nên mỗi khi có backlink về domain gốc cũng có nghĩa là anchor text sẽ là từ khóa. Dẫn tới optimize anchor text quá liều và website của bạn sẽ bị Google phạt.

Thực ra hiện nay nhiều người vẫn áp dụng EMD thành công, tuy nhiên nó là con dao hai lưỡi đòi hỏi bạn phải biết cách SEO, và rủi ro rất cao. Mình không khuyến cáo!

5. Cẩn thận với kiểu gõ Telex

Người Việt Nam sử dụng bộ gõ Telex rất nhiều, bạn cũng nên cẩn thận với các ký tự tạo dấu tiếng Việt trong Telex.

Nếu domain vô tình có các ký tự này, người dùng sẽ hay bị gõ sai tên miền vào trình duyệt, bởi vì mọi người thường bật chế độ gõ tiếng Việt Telex.

Ví dụ bạn thử gõ tên miền tamsaothatban vô Google Chrome với chế độ gõ Telex đang bật thử xem, nó thành thế này taấmothatban.

Do đó bạn cũng nên gõ thử tên miền của bạn xem để tránh bị như vậy.

6. Nên chọn tên miền ngắn gọn

Tên miền ngắn sẽ giúp mọi người dễ nhớ và đỡ mất công gõ, đỡ chiếm không gian nếu như muốn in name card hoặc catalog sau này.

Ngược lại tên miền quá dài sẽ tốn công gõ, gây khó nhớ và khó build thương hiệu. Tưởng tượng bạn in catalog, danh thiếp với tên miền dài loằng ngoằng xem nó có chuyên nghiệp không?

Ưu tiên tên miền có độ dài dưới 15 ký tự.

7. Ưu tiên chọn tên miền .com

Ưu tiên chọn tên miền .com, bởi vì người dùng internet đã ăn sâu .com vào tiềm thức, do đó họ hay gõ .com thay vì các phần mở rộng tên miền khác.

Phần mở rộng .net hoặc .org cũng có thể sử dụng vì nó cũng phổ biến.

Các tên miền mở rộng khác có giá thấp hơn như .tv, .pro, .tk, … và nó được lạm dụng để spam hoặc làm web sex…, do đó mọi người sẽ cảnh giác khi click vào nó. Điều này cũng gián tiếp ảnh hưởng tới SEO bởi vì nó làm giảm lượng click (CTR) từ kết quả tìm kiếm Google.

Do đó mình vẫn khuyên ưu tiên chọn .com rồi tới .net, . org bởi vì những tên miền này đáng tin cậy hơn.

8. Tên miền mở rộng quốc gia

Google sẽ ưu ái đôi chút khi bạn SEO website ở một quốc gia nào đó và tên miền mở rộng quốc gia đó. Bởi vì Google ưu tiên yếu tố địa phương trên kết quả tìm kiếm.

Nếu thị trường SEO nhắm tới của bạn là Việt Nam thì bạn cũng nên cân nhắc tên miền .vn, Google sẽ ưu tiên các trang web .vn ở Việt Nam hơn một chút.

Nhưng đây cũng là một yếu tố rất nhỏ thôi. Bản thân mình thì mình vẫn cứ thích .com thôi.

9. Tránh vi phạm bản quyền

Bạn tuyệt đối tránh những tên miền gần giống với các thương hiệu đã đăng ký bảo hộ như Nike, Adidas, v.v…

Sử dụng các tên miền tương tự gây nhầm lần với các thương hiệu khác sẽ gây ra tranh chấp pháp lý sau này, và bạn thường sẽ bị bay mất luôn tên miền kiểu như vậy.

Tốt nhất không nên đặt domain kiểu nhái theo các thương hiệu khác.

10. Kiểm tra kỹ thông tin trên các mạng xã hội

Nên kiểm tra thông tin tên miền hoặc thương hiệu bạn đang chuẩn bị mua trên các mạng xã hội Facebook, Twitter, Youtube,…

Điều này sẽ giúp bạn tránh phải những rắc rồi pháp lý có thể xảy ra sau này.

Bởi vì kể cả khi bạn đã chọn được domain ưng ý, nhưng lại có người khác đã tạo thương hiệu đó trên Facebook, Youtube, Twitter,… thí chắc chắn sau này sẽ gặp không ít rắc rồi.

Do đó mình khuyên nên kiểm tra kỹ tất cả các thông tin liên quan đến thương hiệu và tên miền, kể cả tìm kiếm trên Google, để đảm bảo rằng bạn là người đầu tiên đăng ký nó, và sẽ tránh tranh chấp sau này.

Thêm nữa là bạn sẽ dễ dàng đăng ký các tài khoản mạng xã hội liên quan, đàng nào bạn cũng phải sử dụng đúng không?

Hi vọng với những lưu ý mình đã chia sẻ trong bài viết này sẽ giúp ích ít nhiều cho bạn khi chọn domain cho website và SEO.

Nếu bạn có mẹo nào hay hoặc có câu hỏi gì, hãy để lại comment bên dưới, mình sẽ reply sớm nhất nhé!

3 thoughts on “10 lưu ý quan trọng khi chọn mua tên miền cho website [2024]”

  1. Bài viết cho nhiều thông tin hữu ích về kiểm tra lịch sử tên miền. Tks

  2. Nhờ đọc bài của bạn mới biết vụ check lịch sử domain. Bài viết rất hữu ích. Thanks bạn nhiều.

    1. Khánh Nguyễn

      Cảm ơn bạn đã ghé thăm blog. Vui vì bài viết giúp ích. Thanks bạn.

Comments are closed.